top of page

Nguyễn Bá Thanh, “Lời nói và hành động luôn song hành”

 

Tin nóng.com

03/08/2015

Làm một người dân bình thường, việc thực hiện cho đúng những lời mình đã nói, đã hứa trong phạm vi gia đình, cơ quan, xóm giềng… nghe chừng đã khó. Làm một người giữ chức vụ cao trong xã hội, là tấm gương đạo đức, kiểu mẫu cho bao nhiêu người khác nhìn vào, chuyện danh dự có thể bị tuột mất vì vài lời nói “chơi suông” càng dễ xảy ra. Nhất là trong cái thời buổi này, đồng tiền ngày càng có giá, vượt qua nhiều giá trị tinh thần, nhân phẩm thì chỉ cần sơ sẩy, người ta sẽ trượt dài trong hố sâu danh vọng, đâu màng đến danh dự, nhân phẩm, đâu bỏ công bỏ sức đi gìn giữ cái giá trị, cốt cách tinh thần nữa, đôi lúc cố giữ, người đời còn bảo là “dở hơi” không chừng.

Nguyễn Bá Thanh

Thế mà ở địa vị cao nhất trong bộ máy chính quyền thành phố Đà Nẵng, có một người luôn khiến chúng ta khâm phục bởi lời nói “quân tử” của mình. Từ lúc đầu tiên dấn thân vào con đường chính trị, lấy việc phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân làm lý tưởng sống của đời mình, nhân vật ấy vẫn không ngừng phấn đấu, hiến dâng, đặc biệt, luôn sống và làm việc với những quy tắc bất di bất dịch, trong đó có phương châm “nói là làm” đã làm nên tên tuổi và khiến bao người dân gần xa thầm khâm phục. Lời nói luôn song hành với hành động, đó chính là điều đã làm nên “tên gọi” Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng.

Sơ lược về Nguyễn Bá Thanh

Nguyễn Bá Thanh là người con xứ Quảng. Ông sinh năm 1953 tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đã nhiều lần Nguyễn Bá Thanh thừa nhận rằng, cho dù đã đi rất nhiều nơi, làm việc ở nhiều cương vị nhưng tính cách ngay thẳng, mặn mòi nhưng hồn hậu của đất Quảng dường như đã ngấm vào máu thịt, thế nên, cách làm việc, nói năng của ông bị chi phối rất nhiều bởi nét quê ấy. Nguyễn Bá Thanh luôn cảm thấy gần gũi và thân thuộc với tầng lớp nông dân, thấy sẻ chia với cảnh còn nghèo, còn khổ của dân mình và luôn tự hào vì mình là người con xứ Quảng. Thiết nghĩ, những buổi nói chuyện, những lần tâm sự, thậm chí là họp hành mà có Nguyễn Bá Thanh xuất hiện, phát biểu thì luôn thu hút và có chất lượng chính nhờ sự chân chất, thật thà như thế. Không quen vòng vo, nói ra nói vào, nhưng đã nói là sẽ nhớ, và nhớ là để thực hiện. Tính cách rạch ròi, kỷ luật ấy từ lâu đã là cách làm việc quy chuẩn của người Bí thư thành ủy luôn gần dân, sát dân này.

Nguyễn Bá Thanh tốt nghiệp Đại học nông nghiệp Hà Nội. Năm 1980, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ đó đến nay, ông từng là Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn, Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng, sau đó là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá IX, XI và XII.

Trong suốt hơn 30 năm làm việc và phấn đấu không ngừng, cái tên Nguyễn Bá Thanh đã trở thành một dấu ấn mạnh mẽ, không chỉ đối với người dân thành phố Đà Nẵng mà còn đối với nhân dân cả nước. Nguyễn Bá Thanh đã làm được nhiều điều cho Đà Nẵng, góp phần biến đây trở thành một trong ba trung tâm kinh tế xã hội lớn nhất cả nước với môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân luôn ở mức cao. Đặc biệt, về những mặt như xây dựng, quy hoạch, đem lại cho Đà Nẵng một diện mạo mới, đền bù, giải tỏa, sử dụng nhân tài, thực hiện công tác dân vận… thì Nguyễn Bá Thanh quả thật đã thành công trong một chừng mực nào đó. Trong giới hạn bài viết về một nhân vật đã có cách nghĩ, cách làm mới, khác, dũng cảm và tự tin đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống, chúng tôi xin nhấn mạnh thái độ làm việc của Nguyễn Bá Thanh, cụ thể hơn là việc luôn thực hiện đúng các lời nói của mình. Với Nguyễn Bá Thanh, mỗi lời nói, dù ở đâu, vào thời gian nào cũng như một bản cam kết, không có chuyện đã nói mà không làm hoặc làm chậm trễ, “lời nói luôn đi đôi với hành động.” Bất chấp dư luận, vượt qua những khó khăn nền tảng tưởng chừng không thể xóa bỏ, với công tác sử dụng nhân tài và giúp đỡ người nghèo, Nguyễn Bá Thanh đã chứng minh giá trị bản thân qua những lời nói, đã một lần nữa khiến ta ghi nhớ rằng, danh dự luôn làm nên con người, nhất là trong thời đại hiện nay, thời đại mà đất nước đang cần những con người “làm và nói song hành”.

Lời nói và hành động luôn song hành qua công tác sử dụng nhân tài và giúp đỡ người nghèo

Người Đà Nẵng thường kháo nhau, ở Đà Nẵng mà không chăm xem thời sự, đọc tin tức, không chịu ra cà phê vỉa hè để nghe ngóng thông tin… thì có lúc ra đường sẽ chẳng hiểu vì sao mình … bỗng dưng phạm luật.

Nói thế, bởi lẽ ở thành phố sông Hàn, cứ nghe phong thanh ông Thanh (Bí thư Thành Ủy Nguyễn Bá Thanh) nói chuyện trực tiếp, công khai với dân trên truyền hình, nói cái gì đó mới lạ, thông báo những chính sách, quy định sắp triển khai, thậm chí là những “ý tưởng” sơ khai, thì người dân đã rục rịch chuẩn bị tiếp nhận và thực hiện. Ông Thanh đã nói, thì cứ không sớm thì muộn, ý tưởng hay kế hoạch rồi cũng thành sự thực hết. Giống như vừa rồi, vụ “kiểm soát mũ bảo hiểm” vừa mới manh nha, dân Đà Nẵng đổ xô nhau vứt mũ cũ, mua mũ mới. Nhãn hiệu “Nón sơn” được thể, xả hàng đến 50%, chiếc mũ chắc chắn, thuộc top “hàng hiệu” từ 500 ngàn chỉ còn có 250 ngàn, giá vẫn khá “nhằn” nhưng người dân vẫn mua ầm ầm. Hàng tốt, giá rẻ, chất lượng đạt tiêu chuẩn, lại chấp hành đúng “luật lệ” của thành phố, thì người dân đâu có cần đợi “mũ giá rẻ” của BTTU?

Qua cái chuyện phiếm trên, mới thấy dân chẳng tiếc 250 ngàn cũng chỉ vì tin lời BTTU, bị ông thuyết phục và nhận ra sự nguy hiểm của mũ bảo hiểm “hàng rởm”. Đà Nẵng vào những năm gần đây, chuyện dân đồng tình và ủng hộ những việc làm “quyết liệt” của ông Nguyễn Bá Thanh đã trở thành một “sự kiện” thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước. Dân tin vì dân cũng nhìn thấy được một Đà Nẵng đổi mới trong hiện thực, thay đổi trong những gì nhỏ nhất của cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ là ở những bài diễn văn, những lúc “bốc đồng” của ông Thanh trên truyền hình hay các phương tiện đại chúng. Mà việc dân thấy rõ nhất, là đội ngũ cán bộ, công chức của Đà Nẵng ngày càng “được việc”, và người nghèo, nhất là phụ nữ, cũng ngày càng “được quan tâm”.

Hướng tới một đội ngũ cán bộ “giỏi và sạch”

Để “làm quan” đâu phải dễ, cần qua rất nhiều chặng: chập chững, đững vững, thăng hoa, rồi về vườn. Cách đây hơn 10 năm khi Đà Nẵng bắt đầu thực hiện chủ trương “thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực giỏi cho thành phố Đà Nẵng”, rất nhiều người, nhiều cơ quan đã hoài nghi về tính khả thi và độ “cuồng ngôn” của ông Nguyễn Bá Thanh. Bây giờ nhìn lại mới thấy, Nguyễn Bá Thanh không nói chơi!

Năm 2003, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn mới khang trang được xây dựng bên bờ sông Hàn như một “tuyệt chiêu” ngăn chặn chảy máu chất xám của BTTU. “Trước khi kéo người khác về với mình, phải giữ chân người của mình đã”. Học sinh trường Lê Quý Đôn phải trải qua cuộc thi tuyển đầu vào gắt gao, các tiêu chí tuyển sinh còn được xem xét dựa trên kết quả học tập 4 năm ở bậc Trung học cơ sở nên chuyện chạy vạy, xin xỏ “khó như lên trời”. Đầu ra cũng được ông Thanh hết sức chăm chút khi đề án 47 ra đời tạo điều kiện cho các em đi du học nước ngoài, hoặc học đại học trong nước với nguồn kinh phí của thành phố sau đó quay về được bố trí công việc phù hợp và đặc biệt phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm.

Đến nay, những lứa học sinh đầu của Lê Quý Đôn 2003-2006 đi học theo đề án này đều đã trở về và trở thành nguồn cán bộ trẻ, nguồn nhân lực đầy năng lực và nhiệt huyết cho thành phố hiện nay. Thế mới thấy, ông Thanh nói và chăm bẵm từng lời nói của mình. “Đào tạo nguồn nhân lực từ trong trứng nước" đâu phải là việc bất khả thi?

Tuy nhiên, tham vọng “thu hút nhân tài” của BTTU Nguyễn Bá Thanh không dừng lại ở đó. Hơn 10 năm trước, khi dòng chất xám của các tỉnh lẻ ồ ạt đổ về hai trung tâm ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Bá Thanh không thể làm người ta tin ông có thể kéo một phần “chất xám” ấy chảy về Đà Nẵng. Vậy mà bây giờ, mỗi năm, thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và bố trí việc làm cho khoảng 100 trường hợp có nguyện vọng làm việc tại thành phố, trong đó, có hơn 30% là người ngoại tỉnh có trình độ cao, thậm chí là thạc sĩ hay tiến sĩ. Riêng trường Trung học chuyên Lê Quý Đôn đã có đến 3 trường hợp là tiến sĩ, thạc sĩ ở Thanh Hóa, Bình Định về đầu quân giảng dạy.

Việc chạy chọt, xin xỏ đã bị ngăn chặn ngay từ khi “nguồn cán bộ” còn ngồi trên ghế phổ thông, thì trong môi trường công chức bây giờ, làm sao có thể để việc đó tiếp diễn? Trong “sự kiện” nói chuyện với hơn 4.500 cán bộ công chức thành phố ngày 24-02, BTTU Đà Nẵng một lần nữa khẳng định “Ở Đà Nẵng không cần phải chạy chọt chung chi, chỉ cần lo làm tốt, tận tâm với công việc là có cơ hội để thăng tiến”.

Lời nói của lãnh đạo trong các buổi họp có mấy lời được dân nằm lòng, ghi nhớ. Chỉ có khi nào lời nói đó được thực hiện, thì dân mới tin. Để việc tuyển dụng cán bộ, công chức càng thêm minh bạch, đầu năm 2012, chính sách tuyển dụng nhân tài của TP Đà Nẵng có điểm mới trong việc tiếp nhận và bố trí đối tượng thu hút, đó là phỏng vấn trước khi tiếp nhận. Cho đến hết quý I – 2012, số lượng đối tượng phỏng vấn được Sở Nội Vụ thống kê là 18 người, và số đối tượng được tiếp nhận dừng ở con số 7. Cơ chế tuyển dụng càng thắt chặt, thì chuyện chung chi chạy chọt giảm dần như lời ông Thanh âu cũng là lẽ tự nhiên.

Không thể “chạy” để làm quan ở Đà Nẵng, nhưng đừng tưởng “làm quan” rồi thì có thể “tung hoành”. Những điều Nguyễn Bá Thanh nói trong cuộc gặp mặt ấn tượng vừa rồi chắc hẳn sẽ làm một vài người trong đội ngũ cán bộ giật mình thon thót. Nhất là khi sau đó, ông Thanh lại hùng hồn tuyên bố với ngành Cảnh sát vào ngày 19-03-2012: “Cảnh sát tiêu cực sẽ cho về vườn.” Nói là làm nhưng không làm một cách áp đặt và phiến diện, Nguyễn Bá Thanh dường như đã nghiền ngẫm rất kỹ nguyên do tiêu cực của một bộ phận cảnh sát, rồi quyết định bước đầu hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi tháng cho lực lượng CSGT làm việc tại các chốt giao thông Hòa Phước, Kim Liên, Hòa Nhơn, Hòa Hải. Từ đó, ông Thanh một lần nữa quyết liệt với “nạn chung chi” khi nói, “chỉ cần chung chi vài trăm nghìn là đã có thể bị tước quân tịch”. Thiết nghĩ, với mức lương sau hỗ trợ, không biết còn vị CSGT nào dám mạo hiểm “quân tịch” của mình không. Vì chính họ là người hiểu rõ nhất, BTTU Đà Nẵng không phải là người nói ra rồi … để đó.

Vẫn là một chủ trương đó, vẫn là mục đích xây dựng cho thành phố Đà Nẵng có một nguồn nhân lực giỏi giang, trong sạch nhưng trong vòng hơn 10 năm sau lời nói của mình, BTTU Nguyễn Bá Thanh đã có rất nhiều cải tiến, khiến bộ máy công chức ngày càng vững vàng, quá trình tuyển dụng ngày càng công khai minh bạch. Từ những chuyện “bị” cho rằng không giống ai như chuyện thi tuyển công chức cho các chức danh, rồi cấm cán bộ đi học trong giờ hành chính, thậm chí “phát súng” không chấp nhận đối tượng tốt nghiệp ĐH hệ tại chức thi tuyển công chức, rồi thêm chuyện công khai nội tình “cán bộ thành phố” trong buổi nói chuyện ngày 24-02-2012, rồi cả chuyện công khai “dọa trảm” Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nếu như không lo xong chuyện phân làn đường trước ngày 1-04-2012 này. Chẳng biết ở các quán cà phê vỉa hè, ở các tỉnh khác, người ta “nói ra nói vào” như thế nào, chỉ biết ở các tuyến đường có kế hoạch phân làn, các chiến sĩ công an đã đứng giữa đường mặc mưa mặc nắng, tươi cười chỉ phần đường đúng cho người dân tham gia giao thông.

Ở đâu xa xôi không biết, nhưng việc đội ngũ cán bộ trẻ mà thành phố đã dày công nuôi dưỡng, thu hút đó đã thực sự đem lại luồng gió mới cho Đà Nẵng. Bà con không còn ngại mỗi lần lên huyện, lên quận làm cái giấy cái tờ vì cán bộ quận huyện, xã phường bây giờ cũng được trẻ hóa, làm việc linh hoạt và hiệu quả hơn xưa rất nhiều. Có người đùa, “sống ở Đà Nẵng ít căng thẳng lắm, đi đâu làm gì cũng được chỉ dẫn, đêm đêm ra dạo biển mà gặp lực lượng cơ động, hay dân phòng thì các chú ấy cũng chỉ cười rồi nói về đi khỏi khuya chứ chẳng hề có ý định ăn chặn tiền của dân”. Chỉ vài điều ấy thôi mới thấy nỗ lực trong chủ trương tạo nguồn nhân lực giỏi và tầng lớp cán bộ trong sạch của thành phố và cả những tuyên bố “như đùa” của BTTU Nguyễn Bá Thanh đã không nằm yên trên giấy, đem lại cuộc sống thoải mái hơn cho người dân.

“Dân nghèo kỳ vọng ở tôi nhiều hơn !”

Nhân dân Đà Nẵng, nhất là dân nghèo vui mừng ra mặt khi Nguyễn Bá Thanh tái đắc cử chức vụ BTTU Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010-2015, đơn giản vì họ hiểu ông Thanh đã, đang và sẽ còn làm nhiều việc thiết thực để giúp họ từ dân nghèo đến “thoát nghèo”. Nguyễn Bá Thanh cũng hiểu được sự kỳ vọng đó và đã phát biểu ngay sau ngày tái đắc cử : “Dân nghèo kỳ vọng ở tôi nhiều hơn !” Từ đó đến nay, lời nói đầy thức nhận và trách nhiệm ấy của BTTU Đà Nẵng đã trở thành những hoạt động, chính sách, sự hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách mà ông Thanh dành cho những người nghèo, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo. Một hướng tiếp cận, giải quyết được cho là mới lạ, đúng đắn và được nhiều ủng hộ từ phía nhân dân.

Mới đây nhất, “Quỹ ủng hộ phụ nữ nghèo” do ông Thanh đề ra đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của cán bộ, người dân Đà Nẵng. Trong buổi nói chuyện với 5.000 cán bộ là phụ nữ, hay các cán bộ đang làm công tác về phụ nữ, các phụ nữ nghèo trên địa bàn thành phố ngày 06-03-2012, BTTU đã phát biểu về mục đích của Quỹ này như sau: “trong thời buổi còn nhiều khó khăn, còn nhiều phụ nữ (PN) khi gặp trường hợp khẩn cấp thì chạy vạy không biết vay ở đâu, phải đi vay nóng với lãi suất cao, rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Cho nên, phải làm sao cho các chi hội PN phải có một khoản tiền, để khi có người gặp khó khăn bức bách họ sẽ tìm đến.” Mục đích hết sức giản dị ấy nhưng để làm được, ông Nguyễn Bá Thanh cũng cho rằng cần sự góp sức của cả cộng đồng và sự năng nổ của các cán bộ phụ nữ. Mỗi năm, mỗi phụ nữ đóng góp một số tiền 500 ngàn đồng vào quỹ này để trong tổ, trong chi hội, chị em PN nào có việc thì vay với mức lãi suất thấp, chỉ 0,5%. BTTU gọi vui đây là “vốn liếng” của tổ, của chi hội. Trước mắt, thành phố sẽ chi 80 tỷ đồng để giúp đỡ các chi hội xây dựng quỹ. Con số thiết thực này một lần nữa khẳng định, BTTU Đà Nẵng có niềm tin rất lớn để đưa “Quỹ hỗ trợ PN nghèo” trở thành điểm sáng giúp chị em thoát nghèo chứ không phải chỉ dừng lại ở hô hào, khẩu hiệu.

Phải nói, Nguyễn Bá Thanh hết sức coi trọng vai trò của người phụ nữ trong việc đưa hộ nghèo “thoát nghèo”. Ông luôn chú trọng từ những nguyên nhân sâu xa nhất để giải quyết vấn đề. Nguyễn Bá Thanh hiểu rằng, gia đình là nhân tố của xã hội, do đó cuộc sống gia đình hạnh phúc cũng là nền tảng để xã hội phát triển về nhiều mặt, trong đó có kinh tế. BTTU quan tâm ngay cả đến việc giúp chị em phụ nữ vun vén, chu toàn mọi việc trong gia đình, khuyên chị em phụ nữ chiều chồng, chăm con, giảm thiểu bạo lực gia đình. Sau đó, là tiết kiệm, là tạo dựng cuộc sống thoải mái, qua các chương trình như “Heo đất”, hay “Phụ nữ với Mái nhà xanh” : Xanh nhà, xanh phố, xanh đường. Từng bước nâng cao nhận thức cho phụ nữ nghèo, chỉ cho họ lối sống văn mình, lành mạnh, từ đó mới hy vọng “thoát nghèo”.

Lo cho đời sống gia đình của chị em, BTTU không quên tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình “Có nhà ở” cho chị em PN nghèo đơn thân. Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh rằng, hạn cuối tháng 6-2012, hộ PN nghèo đơn thân, có hộ khẩu tại Đà Nẵng sẽ được giải quyết cho thuê nhà chung cư giá rẻ. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, từ 08-03-2012, những phụ nữ nghèo đơn thân hoặc mất chồng mà “tự túc” thì chỉ được sinh một con mới được quyền bố trí nhà chung cư, nếu vi phạm thì không được áp dụng chính sách nhân đạo này.

Chính sách đối với phụ nữ của Đà Nẵng trong những năm gần đây đã gây được nhiều ấn tượng đẹp với nhân dân cả nước, thiết thực hơn, nó đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp. Điển hình, năm 2011 đã ghi dấu một thành công khi sau một năm triển khai, phong trào thi đua “Giúp 1.000 họ phụ nữ thoát nghèo bền vững” của các cấp hội đã giúp 948 hộ chị em PN thoát nghèo. Phải tự mình đến, tự mình kiểm nghiệm để thấy cuộc sống của các chị em ngày càng được cải thiện mới thực sự tin rằng, BTTU Đà Nẵng đâu có nói suông!

Không chỉ ưu ái với phụ nữ nghèo, Nguyễn Bá Thanh chưa hề lơi là trách nhiệm của chính mình, của thành phố đối với những người nghèo, những người luôn tin và giao trọng trách cho chính quyền. Năm nào. Tết nào, anh xe ôm, chị lao công, người bệnh, các cụ già neo đơn trên địa bàn thành phố cũng nhận được quà từ thành phố, nhiều thì 300 đến 500 ngàn đồng, ít thì 200 ngàn. Những việc nhỏ nhặt nhưng thể hiện được, Nguyễn Bá Thanh đâu có quên lời phát biểu của mình khi tái đắc cử năm 2010. Thành phố hôm nay, ngay cả người dân nghèo cũng có quyền hân hoan và tin vào chính quyền hơn, vì những lời phát biểu trên truyền hình, trên mặt báo của ông Thanh, đã dần trở thành hiện thực.

Từ lời nói đến hành động, đến tạo dựng thực tiễn quả thực không thể là ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, lời nói của Nguyễn Bá Thanh luôn đi đôi với làm. Hơn 10 năm dốc lực, dốc sức “thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực” đã đem đến cho Đà Nẵng hôm nay một đội ngũ cán bộ trẻ, giỏi, hạn chế tiêu cực, đem lại sự thoải mái, công tâm để nhân dân tin tưởng, cùng hợp tác trong mọi hoạt động. Với quyết tâm xóa nghèo, thoát nghèo, BTTU cũng đã quyết liệt chỉ đạo, “mạnh tay” hỗ trợ về vốn, về nhà ở cho các hộ nghèo, đặc biệt chú trọng đến đối tượng nghèo là phụ nữ. Tuy không khỏi có lúc vấp phải sai lầm, mắc lỗi hoặc kết quả không như mong đợi nhưng cả thành phố vẫn tiếp tục phấn đấu và xây dựng.

Và đương nhiên, chúng ta luôn hy vọng, với cương vị mới ở Trung ương, Nguyễn Bá Thanh vẫn sẽ tiếp tục nói, và tiếp tục làm, đúng như phương châm làm việc của ông từ trước đến nay, đem lại hiệu quả cao và xứng đáng với danh xưng “nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” mà những người yêu mến và cảm phục đã dành cho ông.

 

© 2023 by "tinnong.wix.com". Proudly created with Wix.com

Dàn phóng tên lửa trên tàu.

bottom of page